Tổng thu nhập VIB đạt hơn 5.300 tỷ đồng quý I

Apr 22, 2024

VIB ghi nhận tổng thu nhập tăng 8% nhờ đóng góp tích cực của các mảng thẻ tín dụng, ngoại hối; lợi nhuận trước thuế đạt 2.500 tỷ đồng.

Ngân hàng vừa công bố kết quả kinh doanh quý I/2024 vào ngày 19/4. Trong đó, thu nhập ngoài lãi chiếm tới gần 25% doanh thu, với sự đóng góp tích cực của các mảng thẻ tín dụng, ngoại hối và các khoản thu từ nợ đã xử lý rủi ro.

Ngân hàng duy trì biên lãi ròng (NIM) hiệu quả ở mức 4,5% trong bối cảnh lãi suất huy động lẫn lãi vay đều giảm mạnh. Chi phí hoạt động được kiểm soát tốt giúp hệ số chi phí hoạt động trên doanh thu (CIR) tiếp tục duy trì ở mức 30%, nằm trong top đầu ngân hàng bán lẻ có hiệu quả quản trị chi phí tốt nhất. Nhờ đó, lợi nhuận trước dự phòng của ngân hàng đạt hơn 3.440 tỷ đồng, tăng hơn 2% so với cùng kỳ 2023.

Với bối cảnh thị trường chung và tính thời vụ trong quý I/2024, tỷ lệ nợ xấu của VIB tạm thời tăng từ 2,2% lên khoảng 2,4%. Ngân hàng đã chủ động gia tăng mức trích lập dự phòng rủi ro lên tới gần 950 tỷ đồng trong ba tháng đầu năm, tăng hơn 40% cùng kỳ. Hết quý, VIB báo lãi hơn 2.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tiếp tục duy trì ROE ở mức 24%, thể hiện hiệu quả sinh lời top đầu ngành.

Tổng thu nhập hoạt động và chỉ số CIR của VIB từ quý I/2023 đến quý I/2024. Ảnh: VIB

Tổng thu nhập hoạt động và chỉ số CIR của VIB từ quý I/2023 đến quý I/2024. Ảnh: VIB

Tổng tài sản đạt 414.000 tỷ đồng vào cuối tháng 3, tăng trưởng 1% so với đầu năm. Trong bối cảnh lãi suất đã ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua cùng tình hình thị trường bất động sản, tiêu dùng và đầu tư đang ấm dần trở lại, tín dụng tăng 1% so với đầu năm.

Đơn vị tiếp tục là một trong những ngân hàng có rủi ro tín dụng tập trung thấp nhất thị trường với tỷ trọng dư nợ bán lẻ chiếm đến 85% tổng danh mục cho vay. Trong đó, trên 90% khoản vay có tài sản đảm bảo chủ yếu là nhà ở, đất ở với đầy đủ pháp lý và tính thanh khoản tốt.

Số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp ở nhóm thấp nhất ngành, chiếm 0,2% tổng dư nợ tín dụng. Trong đó toàn bộ trái phiếu đều thuộc lĩnh vực sản xuất, thương mại và tiêu dùng. Hơn 4 năm qua, dư nợ cho vay các hoạt động, lĩnh vực rủi ro cao đều bằng không, gồm: BOT, năng lượng tái tạo, bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp, đầu tư trái phiếu bất động sản.

Đến hết tháng 3, nguồn vốn huy động đạt hơn 360.000 tỷ đồng, bao gồm tiền gửi khách hàng, giấy tờ có giá, huy động từ các định chế quốc tế như IFC, ADB. Trong đó, VIB giải ngân thành công khoản vay 100 triệu USD từ IFC và 280 triệu USD khoản vay hợp vốn từ đối tác UOB cùng 12 định chế tài chính hàng đầu thế giới. Nhờ vậy, tổng huy động quốc tế hiện nay của VIB lên tới hơn 1,1 tỷ USD, hạn mức tín dụng từ các tổ chức này lên tới hơn 2,5 tỷ USD.

Nhà băng tích cực tối ưu hóa nguồn vốn thông qua chiến lược thu hút khách hàng cá nhân. Điều này hiện thực hóa qua sản phẩm tiền gửi, tích hợp với ứng dụng ngân hàng số MyVIB. Chi phí huy động giảm hơn 2% so với cùng kỳ, tạo thêm dư địa giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ khách hàng và kích cầu tín dụng.

Cuối năm 2023, nhà băng nhận được kết quả do Ngân hàng Nhà nước xếp hạng ở nhóm cao nhất ngành nhờ hiệu quả kinh doanh cao, an toàn về định lượng và định tính. Đơn vị cũng được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cho năm nay là 16%, thuộc nhóm cao nhất ngành.

Khách hàng đến giao dịch tại một chi nhánh ngân hàng. Ảnh: VIB

Khách hàng đến giao dịch tại một chi nhánh ngân hàng. Ảnh: VIB

Các chỉ số an toàn ở mức tối ưu, hệ số cho vay trên tổng tiền gửi (LDR) 71,89% (quy định dưới 85), hệ số nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn 25,31% (quy định dưới 30%), hệ số an toàn vốn (CAR Basel II) ở mức 11,8% (quy định trên 8%) và hệ số nguồn vốn ổn định ròng theo Basel III (NSFR) khoảng 116% (quy định tối thiểu là 100%).

Thương hiệu có nhiều hoạt động ứng dụng chuẩn mực quốc tế vào Việt Nam. Năm 2019, đơn vị triển khai thành công ba trụ cột của chuẩn mực quản trị rủi ro Basel II. Đến tháng 8/2023, VIB được Ngân hàng Nhà nước lựa chọn cùng với 9 ngân hàng thương mại khác tham gia Ban chỉ đạo triển khai chuẩn mực vốn Basel II nâng cao và Basel III. Song song, đơn vị cùng một ngân hàng thương mại cổ phần khác đã hoàn tất, phát hành báo cáo kiểm toán theo chuẩn mực quốc tế (IFRS) từ năm 2019, sớm hơn đề án của Bộ tài chính 6 năm.

Trong tháng 4, Đại hội đồng cổ đông đã thông qua kế hoạch chi trả cổ tức ở mức 29,5% bao gồm 12,5% cổ tức tiền mặt và 17% bằng cổ phiếu. Đầu năm nay, ngân hàng đã hoàn tất phân phối 6% cổ tức tiền mặt. Hiện đơn vị đang trong giai đoạn triển khai chi trả 6,5% cổ tức tiền mặt và 17% cổ phiếu thưởng cho cổ đông cùng 11 triệu cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên (ESOP).

Hiệu quả sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) top đầu ngành trong nhiều năm giúp VIB có lợi nhuận giữ lại ổn định, góp phần bổ sung nguồn vốn chủ sở hữu nhằm nâng cao, đảm bảo an toàn vốn, phục vụ kế hoạch tăng trưởng của ngân hàng. Theo đơn vị, cổ tức tiền mặt duy trì ở mức tốt, đảm bảo lợi ích lâu dài và bền vững cho cổ đông. Sau khi chi trả cổ tức tiền mặt 6% trong tháng 1, hệ số an toàn vốn của ngân hàng (CAR Basel II) vẫn ở mức cao, đạt khoảng 11,8% tại ngày 31/3 và dự kiến sẽ duy trì ở mức 11-12% trong năm nay.

Đại diện đơn vị nhấn mạnh, trong quá trình chuyển đổi số, ngân hàng ứng dụng nhiều công nghệ mới và xây dựng chuỗi giá trị nhằm tối ưu trải nghiệm khách hàng. Năm qua, lượng giao dịch ngân hàng số tăng hơn 100% so với cùng kỳ, hiện đạt tỷ lệ 96% giao dịch qua kênh số. Ứng dụng MyVIB và các giải pháp công nghệ đã nhận được nhiều giải thưởng từ các tổ chức The Asset, The Banker, Global Finance Review, Mastercard, Visa Card, AWS, Microsoft.

Trong tháng 2, VIB cùng Tập đoàn Temenos triển khai Dự án hiện đại hóa hệ thống ngân hàng lõi (Core banking) trên nền tảng điện toán đám mây Amazon Web Services (AWS). Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, một ngân hàng triển khai Core banking Temenos trên nền tảng điện toán đám mây.

Đại diện VIB, Temenos và các đối tác triển khai ngân hàng lõi trên AWS tại lễ ký kết. Ảnh: VIB

Đại diện VIB, Temenos và các đối tác triển khai ngân hàng lõi trên AWS tại lễ ký kết. Ảnh: VIB

Theo đại diện VIB, bối cảnh thị trường vẫn còn nhiều biến động từ các yếu tố vĩ mô từ kinh tế, chính trị trên toàn cầu. Đơn vị tiếp tục hướng đến mục tiêu là ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam về chất lượng và quy mô; đối tác tin cậy đối với doanh nghiệp, định chế tài chính. Ưu tiên hàng đầu là duy trì khẩu vị rủi ro thận trọng và tiên phong trong áp dụng chuẩn mực quốc tế. Nhà băng còn tập trung xây dựng nền tảng ngân hàng số hiện đại, bảo mật thông tin.

Minh Tú

Source link

You may also like…

Trung Nguyên Legend động thổ nhà máy cà phê tổng vốn 2.000 tỷ
Trung Nguyên Legend động thổ nhà máy cà phê tổng vốn 2.000 tỷ

Nhà máy có tổng vốn 2.000 tỷ đồng, mật độ xây dựng 60%, phát triển theo hướng đáp ứng các tiêu chuẩn về Net Zero, được Trung Nguyên Legend động thổ ngày 10/3. Lễ động thổ nhà máy cà phê năng lượng Trung Nguyên Legend tại cụm công nghiệp Tân An 2 là hoạt động nằm trong...

VinFast vào top 500 doanh nghiệp tốt nhất 2025
VinFast vào top 500 doanh nghiệp tốt nhất 2025

VinFast xếp thứ 101 trong danh sách 500 Công ty tốt nhất châu Á - Thái Bình Dương 2025 do Tạp chí Time (Mỹ) xếp hạng, hôm 10/3. Trong danh sách do tạp chí Time bình chọn, VinFast được đánh giá thuộc nhóm công ty "định hình vị thế khu vực trên bản đồ kinh tế thế giới",...

Metro TP HCM và Xanh SM hợp tác phát triển giao thông xanh
Metro TP HCM và Xanh SM hợp tác phát triển giao thông xanh

Ngày 7/3/2025, Công ty TNHH MTV Đường sắt Đô thị số 1 (HURC1) và Xanh SM ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm tăng cường kết nối giữa hệ thống đường sắt đô thị với dịch vụ taxi điện, xe máy điện Xanh SM, giúp người dân dễ dàng tiếp cận phương tiện công cộng, đồng thời thúc...

Verified by MonsterInsights