Ngân hàng có lãi nhiều nhất hệ thống đặt mục tiêu lợi nhuận năm nay tăng 10% so với 2023, lên hơn 44.000 tỷ đồng.
Với số lãi trước thuế ước tính năm 2023 khoảng 40.400 tỷ đồng, mức lợi nhuận năm 2024 của Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) có thể đạt hơn 44.400 tỷ đồng (tương đương gần 2 tỷ USD).
Về các chỉ tiêu khác, tổng tài sản đến cuối năm dự kiến tăng hơn 8%, tăng trưởng tín dụng trên 12% trong đó huy động vốn tăng trưởng phù hợp với tín dụng. Nợ xấu dự kiến dưới 1,5%.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank nhận định kinh tế thế giới năm nay được dự báo “hạ cánh mềm” bởi các rủi ro giảm tốc vẫn lấn át động lực tăng trưởng. Tăng trưởng kinh tế của các nước lớn cũng dự báo gặp thách thức. Tuy nhiên, bức tranh kinh tế thế giới nửa cuối năm sẽ lạc quan hơn do nhu cầu tiêu dùng, đầu tư, việc làm khởi sắc.
Doanh nghiệp còn quan ngại mở rộng sản xuất kinh doanh do rủi ro lãi suất còn hiện hữu và căng thẳng địa chính tiếp tục xói mòn thương mại quốc tế. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế Việt Nam có phần “sáng” hơn nhờ nỗ lực điều hành kịp thời của Chính phủ. Động lực tăng trưởng nhờ các trụ cột đầu tư công, khu vực FDI, các dự án lớn và sức mua tăng.
Trước đó, từ đầu năm, nhà băng này được Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 16%, cao hơn trung bình ngành (15%). Theo Phó thống đốc Phạm Quang Dũng, mức tăng trưởng này được tính bằng 3,5 lần nhân với điểm số xếp hạng theo Thông tư 52. “Với tốc độ tăng trưởng trong nhóm cao nhất ngành, Vietcombank phải có biện pháp linh hoạt, tận dụng room tăng trưởng tín dụng, nhưng phải đảm bảo tăng trưởng hợp lý, an toàn, hiệu quả, kết hợp xử lý nợ xấu”, ông Dũng nói.
2023, đại diện Vietcombank cho biết ngân hàng này đã hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch. Cụ thể, huy động vốn thị trường 1 đạt hơn 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 12,1%. Dư nợ tín dụng đạt 1,27 triệu tỷ đồng, tăng 10,6%.
Tỷ lệ nợ xấu đến cuối năm 2023 ở mức gần 1%. Số dư quỹ dự phòng rủi ro theo Thông tư 11 là 34.338 tỷ đồng, với tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức 185%.
Minh Sơn