Tết năm nay chứng kiến việc mua sắm qua kênh online bùng nổ hơn mọi năm, cũng khiến cho việc sắm Tết theo phương thức truyền thống trầm lắng hơn mọi năm.
Sự bùng nổ của những nền tảng thương mại điện tử, xu hướng công nghệ và quá trình chuyển đổi số cùng sự dịch chuyển xu hướng tiêu dùng, mùa Tết năm nay nhiều người tiêu dùng đã chọn phương thức sắm Tết trực tuyến thay cho trực tiếp.
Các nhà bán lẻ, nhà kinh doanh nắm bắt cơ hội này để thi nhau đưa hàng lên mạng, giảm bớt gánh nặng mặt bằng. Có nhiều mặt hàng bấy lâu nay tưởng không bán qua mạng được thì nay cũng… ship.
Nhiều người tiêu dùng chọn sắm Tết online
Vừa đặt đơn hàng online có giá trị hơn 1 triệu đồng trên ứng dụng Lotte Mart, chị Ngô Thị Hương (quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết đây là năm thứ ba chị chọn sắm Tết online vì không có thời gian đi mua sắm trực tiếp.
Một cô gái ở huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp) livestream bán hoa giấy dịp Tết – Ảnh: ĐẶNG TUYẾT
“Mua online có thể không đầy đủ như offline nhưng bù lại khuyến mãi gần giống như nhau, thậm chí nhiều mặt hàng được khuyến mãi nhiều hơn ở kênh offline. Ngoài ra đặt hàng online cũng nhanh chóng, giao hàng miễn phí cũng khá tiện”, chị Hương lý giải.
Trong khi đó, ngoài lý do chính là tránh tình trạng đông đúc, xếp hàng tính tiền khá lâu vào khung giờ cao điểm cuối năm ở các siêu thị, chị Nguyễn Thùy Trâm (quận Phú Nhuận) cho biết chọn mua sắm Tết online vì các siêu thị có ưu đãi lớn khi mua online, giao hàng miễn phí, hàng hóa đa dạng.
“Tết này sắm online như vậy là đủ rồi, không đi mua sắm trực tiếp ở siêu thị nữa”, chị Trâm nói.
Theo chị Hoài Anh (quận 7), hơn một nửa các món đồ Tết năm nay được chị mua từ các buổi xem livestream và canh hàng online giảm giá.
“Mua hàng livestream tôi được tương tác với người bán, được hỏi kỹ về chất liệu, món hàng, đặc biệt giảm giá rất sâu”, chị Hoài Anh chia sẻ những cái lợi nhờ mua sắm trực tuyến.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện hệ thống Saigon Co.op cho biết sức mua kênh online đã tăng gấp 5-6 lần so với ngày thường, đặc biệt là nhóm hàng đồ gia dụng, quà tặng và thực phẩm khô (dầu ăn, nước mắm, bún, mì…).
Để đáp ứng tốt nhu cầu của khách dịp cao điểm Tết, đơn vị đã cho tăng mạnh số lượng hàng hóa trên kênh và đa dạng kênh bán hàng như ngoài kênh chính là website, tăng bán trên kênh TikTok, Facebook, Zalo. “Các kênh online đang giới thiệu đến khách hàng khoảng 400 – 500 mặt hàng thiết yếu, tăng mạnh so với bình thường”, vị này thông tin.
Hệ thống này cũng đẩy mạnh phối hợp với các đơn vị giao nhận để hỗ trợ giao hàng cho khách vào cao điểm, giảm phí, miễn phí giao hàng.
Với khoảng 800 điểm bán rải khắp 42 tỉnh thành, trong đó riêng TP.HCM có 70 siêu thị Co.opmart, đơn vị đã tính toán luân chuyển đơn hàng online đến các điểm bán phù hợp, để kịp thời giao hàng cho khách ở các tỉnh thành trong dịp Tết, hạn chế việc tắc nghẽn.
Trong khi đó, đại diện Lotte Mart cho biết 16 điểm bán tại 10 tỉnh thành của hệ thống này cũng đang đẩy mạnh bán hàng Tết qua kênh online, giúp đơn hàng online hiện đạt khoảng 2.000 đơn/ngày, tăng mạnh so với ngày thường và tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó đơn hàng bánh kẹo và thực phẩm tươi sống chiếm phần lớn.
“Cận Tết, siêu thị đã cho tăng mạnh chủng loại bán trên kênh online với hơn 30.000 mặt hàng, bằng 80% so với kênh offline. Ngoài ra, vẫn đảm bảo yếu tố như giao hàng trong vòng 2 tiếng. Gần như khách muốn mua gì cũng có, đặc biệt là có cả mặt hàng tươi sống như rau củ, thịt… rất tiện lợi”, vị này cho biết.
Tăng doanh số nhờ kênh online
Ngày hội mua sắm Tết TP.HCM, chợ Thủ Đức trực tuyến – TikTok Tết Fest vừa kết thúc vào ngày 28-1 vừa qua với 17.000 đơn hàng được chốt.
Sau gần 20 phiên livestream kết hợp với các nhà sáng tạo nội dung, kênh bán hàng trực tuyến này đã cán mốc gần 90.000 người theo dõi, giúp TP Thủ Đức thêm rộn ràng ngày cận xuân, đóng góp quảng bá văn hóa, đặc sản địa phương, xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp trên địa bàn, cùng đẩy mạnh kích cầu dịp Tết.
Song song đó, Ngày hội mua sắm, giải trí Tết trực tuyến tổ chức tại Vạn Hạnh Mall, Hùng Vương Plaza đang diễn ra cũng giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh doanh số.
TP.HCM cũng đang hướng đến một hệ sinh thái livestream đa chức năng với siêu thị online, bán hàng hoàn toàn bằng người ảo AI, thúc đẩy bán hàng kiểu mới từ mùa Tết năm nay.
Chị Nguyễn Hồng Ngọc Bích – đồng sáng lập Rec Rec, thương hiệu chuyên về các món ăn nhanh từ dế – cho biết để kịp bán Tết năm nay, start-up đã đưa sản phẩm mới phân phối trên các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki và kết quả rất khả quan.
Đây là bánh snack được làm từ nguyên liệu là bột dế nên chứa nhiều đạm, dinh dưỡng sản phẩm bỏ rào cản và mở cánh cửa cho sự chấp nhận sản phẩm từ côn trùng.
“Sau nhiều cân nhắc, chúng tôi thấy rằng kênh online tiếp cận khách hàng nhanh và tiện nhất trong khi để làm thủ tục nhập vào các chuỗi bán lẻ chúng tôi cần nhiều thời gian hơn.
Kênh online vừa giúp nhãn hàng này bán số lượng lớn vừa đẩy kịp hàng nắm bắt mùa vụ Tết”, chị Ngọc Bích chia sẻ niềm vui khi tìm ra cách bán hàng mới khá thành công. Những doanh nghiệp chọn kênh online để tiếp cận người dùng như Rec Rec không hề hiếm.
Ông Phạm Ngọc Anh Tùng, nhà sáng lập FoodMap, cho biết những doanh nghiệp chuyên về thức ăn nhanh, đặc sản chọn bán hàng Tết như một xu hướng tất yếu. Trong mùa Tết năm nay, bất chấp những khó khăn chung, mảng quà Tết của nền tảng này vẫn tăng trưởng 150%.
“Chúng tôi đã cho livestream ngay tại các nhà máy sản xuất, tại kho hàng và cả studio kết hợp với những KOL (người nổi tiếng) và KOC (người tiêu dùng có sức ảnh hưởng) để thực hiện các livestream. Sàn cũng kết hợp đưa sản phẩm cộng tác với các sàn thương mại điện tử khác để cùng livestream”, ông Tùng cho biết.
AI hỗ trợ bán hàng
Các nhà bán lẻ truyền thống cũng bắt trend để bán hàng trực tuyến, livestream.
Để kích cầu mùa Tết, ngoài chuỗi siêu thị hiện diện khắp cả nước, trên website và ứng dụng Saigon Co.op còn có tám phiên livestream, tung 5.000 deal mua sắm Tết tiết kiệm, trực tiếp giải đáp cho khách hàng về sản phẩm, hướng dẫn nấu ăn, chia sẻ mẹo hay ngày Tết như nhiều công thức món ăn từ món chay, mặn…
Theo ông Nguyễn Anh Đức – tổng giám đốc Saigon Co.op, thị trường bán lẻ đang chứng kiến sự hoán đổi vị trí của các kênh mua sắm khác nhau.
Ngay trong bán lẻ hiện đại, kênh online đã lên ngôi, trong đó các hình thức livestream, sale trực tuyến có tốc độ tăng trưởng mạnh, thúc đẩy doanh số cho nhiều ngành hàng.
Bản thân Saigon Co.op cũng đã cho ra mắt các con AI để hỗ trợ bán hàng livestream. Tuy vậy, cách thức triển khai chắc chắn phải khác, không thể giống như cách của các thương nhân nhỏ, lẻ.
“Với hàng trăm ngàn sản phẩm, việc lựa chọn sản phẩm gì, thương hiệu nào không phải bài toán đơn giản vì cùng một sản phẩm, chức năng sẽ có nhiều thương hiệu khác nhau. Trước mắt chúng tôi thử nghiệm với các combo đa dạng sản phẩm”, ông Đức nói.
Tuy nhiên, online chỉ là một kênh giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận được khách hàng nhanh, trên diện rộng nhưng đây là kênh cần phải được đầu tư lâu dài chứ không phải lên đó sẽ bán được ngay.
Chẳng hạn một trong những mặt hàng cạnh tranh trong mùa Tết này là các sản phẩm nông sản, đặc sản. Với những món hàng giá trị thấp, người tiêu dùng phải được trải nghiệm, mua ăn thử rồi mới mạnh dạn đặt số lượng lớn.
Nhiều ưu đãi hơn
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Công ty Vissan cho biết để khuyến khích khách mua sắm online dịp Tết, từ ngày 1 đến 9-2, đơn vị này sẽ áp dụng khuyến mãi 20% cho thịt đùi heo, thịt vai heo, thịt heo xay… tại website bán hàng của đơn vị. Từ ngày 1 đến 28-2 sẽ giảm giá ba rọi heo, sườn non heo, nạc dăm heo… trên kênh Cooponline.vn.
Tương tự, từ ngày 3 đến 12-2, trên kênh online của GO! Big C sẽ áp dụng giảm giá đến 50%, thậm chí “mua 1 tặng 1” đối với lượng lớn mặt hàng thiết yếu, thực phẩm như bánh mứt, trái cây, thịt cá, rau củ, bánh chưng, lạp xưởng nạc tươi, kim chi cải thảo…
“Để khách hàng tiện mua sắm dịp Tết, siêu thị sẽ thông tin rộng rãi các ưu đãi trên đa dạng kênh bán hàng online như website, fanpage, YouTube, TikTok”, đại diện hệ thống này cho biết.
Ngoài tăng mạnh khuyến mãi chung ở mức 10-30% cho hàng nghìn sản phẩm, nhiều sản phẩm bán ở kênh online của Saigon Co.op đang có giá thấp hơn khoảng 10-15% so với kênh offline. Tương tự nhiều sản phẩm tươi sống, thiết yếu được bán trên kênh online của Lotte Mart cũng có giá tốt hơn kênh offline.
Bà Lê Thị Dung (giám đốc tăng trưởng Công ty CP công nghệ Sapo):
Mua sắm online đã trở thành thói quen
Theo dự báo của Nasdaq, đến năm 2040, 95% các giao dịch mua sắm dự kiến sẽ thông qua thương mại điện tử. Theo khảo sát hành vi tiêu dùng trực tuyến tại Việt Nam của Lazada (2022), 81% người được hỏi cho biết mua sắm trực tuyến là một thói quen không thể thiếu mỗi ngày, cũng như tỉ lệ người mua sắm trực tuyến ít nhất một lần mỗi tuần đạt mức 59%.
Theo số liệu hệ thống của Sapo, có đến 43,7% lượng đơn hàng của cửa hàng, doanh nghiệp bán lẻ đến từ các kênh online.
Nhiều doanh nghiệp và thương nhân tại Việt Nam tham gia bán hàng online vì những lợi ích căn bản như tiết kiệm chi phí, tăng khả năng tiếp cận khách hàng, thị trường rộng mở không giới hạn vị trí địa lý…
Hơn nữa trong những năm gần đây, thương mại điện tử được Chính phủ, các bộ ban ngành, các tổ chức chính trị xã hội đặc biệt quan tâm và có phương án thúc đẩy tăng trưởng.
Đây là những yếu tố khách quan thuận lợi giúp cho doanh nghiệp gia nhập thương mại điện tử ngày càng dễ dàng và nhiều cơ hội.
Nông dân đua online bán hàng Tết
Kết quả thật bất ngờ, nhiều sản phẩm được tiêu thụ tốt, giúp “hai lúa” phấn khởi, có tiền rủng rỉnh xài Tết.
Tăng thu nhập đáng kể
Là con của một chủ ghe đáy hàng khơi tại huyện Ngọc Hiển (Cà Mau), những ngày này chị Hồng My thức dậy vào sáng sớm để chuẩn bị, sắp xếp các mặt hàng có được để bài trí chụp hình, đăng Zalo và Facebook bán qua mạng.
“Trước đây cha mẹ tôi chỉ bán qua các vựa nên giá không được cao, do phải qua nhiều trung gian. Giờ đây tôi bán qua các mạng xã hội nên cũng được giá hơn, khách hàng dễ tiếp cận với hàng hóa của mình. Họ có thể lựa chọn, hỏi giá tận gốc, hàng luôn mới, chất lượng đảm bảo” – chị My nói.
Theo chị My, nhờ bán qua hệ thống mạng và thanh toán online mà mỗi tháng chị mang về thu nhập hàng chục triệu đồng cho gia đình, những tháng Tết thì hàng đi nhiều hơn và thu nhập cao hơn.
Anh Nguyễn Văn Miên, huyện Đầm Dơi (Cà Mau), cũng cho biết bản thân mình là nông dân thế hệ 8X nên dễ tiếp cận công nghệ.
Hằng ngày đăng những cái gì anh có sẽ giúp khách hàng biết đến anh nhiều hơn. Theo anh Miên, giờ giao hàng với nhận tiền qua các công ty vận chuyển hoặc chuyển khoản thẳng vào tài khoản nên cũng yên tâm.
Anh Miên không có mặt bằng nên bán bằng hình thức online là hợp lý nhất và hiệu quả nhất. “Việc buôn bán qua mạng không bao giờ là dễ dàng nhưng nếu hiệu quả thì cứ cố gắng làm tới thôi.
Tôi nghĩ điều khó nhất của bán hàng qua mạng là làm sao tạo được uy tín. Mình cũng phải đầu tư thêm về điện thoại, hình ảnh sao cho hấp dẫn, lạ mắt là phát triển được”, anh Miên chia sẻ kinh nghiệm.
Bán khô Tết online chiếm 40%
Chị Nguyễn Thị Ngoãn, chủ cửa hàng khô cá đồng Phan Chao (huyện Tam Nông, Đồng Tháp), cho biết thị trường khô Tết năm nay sôi động, đơn hàng Tết đã đi khá nhiều.
Sức bán mạnh và khách mua sớm hơn, một phần nhờ đi các dịp hội chợ sản phẩm OCOP, mặt khác nhờ bán online qua kênh thương mại điện tử của tỉnh Đồng Tháp và livestream trên kênh TikTok.
“Các loại khô cá đồng như cá lóc cửng, cá chạch, cá lòng tong, khô tép… giá không tăng, dao động 450.000 – 600.000 đồng/kg, hàng thiên nhiên được khách ưa chuộng.
Thông thường dịp Tết các năm khoảng 23, 24 tháng chạp mới hết hàng, năm nay từ giữa tháng đã hết khô tép, riêng khô cá lóc còn số lượng ít nhờ tích cực quảng bá, bán hàng qua kênh online”, chị Ngoãn nói.
Chị Lê Thị Vuông, cơ sở Khô Liêm Vuông (TP Hồng Ngự, Đồng Tháp), cho biết cơ sở chị sản xuất nhiều loại khô từ cá tra, cá lóc…
“Ngoài bán hàng qua kênh truyền thống, chúng tôi còn chủ động đăng hình ảnh lên Zalo, trao đổi thông tin online rồi chuyển hàng qua bưu điện cho khách đi các tỉnh và TP.HCM”, chị Vuông nói.
Để thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm mùa Tết này, bên cạnh việc bán trực tiếp cho thương lái như lâu nay, nhiều nông dân ở miền Tây đã linh động giới thiệu quảng bá qua kênh online.
Chữ thư pháp cũng bán online
Ông Bùi Văn Thức (xã Đông Phú, huyện Châu Thành, Hậu Giang), người tạo chữ thư pháp trên trái xoài để bán Tết, cho biết đã sử dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook để tiếp cận khách.
“Tôi cũng thông qua sàn thương mại điện tử Postmart để bán hàng. Nhiều khách hàng biết được sản phẩm xoài thư pháp và đặt hàng qua các kênh bán hàng này”, ông Thức nói.
Còn ông Đỗ Trung Nam – chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang – cho biết Hội Nông dân tỉnh có phối hợp với bưu điện tỉnh hỗ trợ nông dân bán hàng nông sản trên sàn giao dịch Postmart, với các sản phẩm trà mãng cầu, chanh không hạt, cam xoàn…
“Đến nay huyện đã có 800 nông dân đăng ký bán hàng trên Postmart. Nông sản được đưa lên sàn thương mại điện tử phải đảm bảo chất lượng, hình ảnh đăng tải chỉn chu, tạo sức hút cho người mua”, ông Nam nói.