Cộng đồng doanh nghiệp kiều bào đang muốn hợp tác đầu tư về Việt Nam, tập trung vào các lĩnh sản xuất chip, bán dẫn, xuất khẩu hàng hóa.
Thông tin được chia sẻ bởi ông Nguyễn Hồng Huệ (Peter Hồng), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV), tại họp báo hôm 16/3 tại TP HCM.
Chính phủ đánh giá bán dẫn là ngành công nghiệp trọng yếu quốc gia trong vòng 30-50 năm tới. Theo Chiến lược quốc gia về công nghiệp bán dẫn, đến năm 2030 Việt Nam sẽ thành một trung tâm về công nghiệp vi mạch bán dẫn với các hoạt động thiết kế, đóng gói và kiểm thử.
Mong muốn cùng đóng góp vào tầm nhìn và sự phát triển của ngành, ông Huệ cho biết BAOOV đang tích cực chuẩn bị cho việc hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực. Cuối tháng này, hiệp hội sẽ triển khai các hoạt động cụ thể đầu tiên. Chi tiết về chương trình hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, kết nối mời gọi đầu tư vào ngành bán dẫn ở Việt Nam sẽ sớm được công bố thời gian tới.
Cùng với bán dẫn, doanh nghiệp kiều bào đánh giá tiềm năng lớn của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, nhưng thương hiệu riêng chưa nhiều, tỷ trọng trong kệ hàng siêu thị nước ngoài còn thấp và đang gặp nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại. Điều này đòi hỏi tăng xúc tiến thương mại, trao đổi kinh nghiệm doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp kiều bào – những người am hiểu thị trường tiêu thụ.
Đến nay, BAOOV đã thành lập và phát triển hệ thống trung tâm xúc tiến và trưng bày, giới thiệu, xuất khẩu hàng Việt Nam, nhất là các mặt hàng nông sản chủ lực tại Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Lào, Nga, Australia và Trung Quốc.
Hiện có khoảng 6,5 triệu kiều bào sinh sống ở nước ngoài. Lượng kiều hối gửi về nước tính từ năm 1993 (năm đầu tiên thống kê kiều hối) đến năm 2022 đạt trên 190 tỷ USD, gần bằng nguồn vốn FDI đã giải ngân trong cùng kỳ. Năm ngoái, lượng kiều hối đạt 19 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2021, đưa Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia trên thế giới về nhận kiều hối.
Bà Phùng Kim Vy, Phó chủ tịch BAOOV, cho biết hoạt động đầu tư, về nước làm việc, kinh doanh của kiều bào về nước sôi động. “Ngày càng nhiều người trẻ Việt kiều về Việt Nam, họ là những bệ phóng để đóng góp cho đất nước”, bà Vy nói.
Cộng đồng kiều bào cũng quan tâm đến việc sở hữu nhà tại quê hương. Người quốc tịch nước ngoài bắt đầu được mua nhà tại Việt Nam từ khi có Luật Nhà ở 2014. Tuy nhiên, tiến độ triển khai cấp sổ hồng cho người quốc tịch nước ngoài trên thực tế vẫn còn chậm và chưa thuận lợi. “Thế hệ Việt kiều 60-70 tuổi đang có nhu cầu mua căn hộ ở Việt Nam. Tôi tin rằng nếu họ được đứng tên sở hữu thì dòng người đó sẽ đổ về Việt Nam”, bà Vy nhận định.
Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài thành lập năm 2009, có hội viên từ 40 quốc gia, vùng lãnh thổ với hàng chục nghìn doanh nghiệp. Trong đó, một số kiều bào có tên trong danh sách tỷ phú thế giới.
Tháng 1, BAOOV đã bầu ông Nguyễn Hồng Huệ – Việt kiều Australia – làm chủ tịch. Vào 3 kỳ Đại hội trước, các cựu chủ tịch của hiệp hội là ông Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch Tập đoàn Technocom ở Ukraine), ông Nguyễn Cảnh Sơn (Chủ tịch EuroWindow Holding tại Liên bang Nga) và TS Nguyễn Thanh Mỹ (Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan, Việt kiều Canada).