Đầu tư vào doanh nghiệp bền vững phù hợp xu hướng tương lai, giúp tăng tỷ suất lợi nhuận dài hạn đồng thời đem đến giá trị cho xã hội.
Thông tin nêu bởi các chuyên gia tại tọa đàm trực tuyến “Đầu tư bền vững có ‘lời’ không?”, phát sóng ngày 21/3. Chương trình có sự tham gia của ông Ngô Thế Triệu, Tổng giám đốc Công ty quản lý quỹ Eastspring Investments và TS. Vũ Đình Ánh.
Theo các chuyên gia, sự thay đổi về mặt xã hội đang dẫn đến nhu cầu đầu tư thay đổi trong tương lai, khi dòng vốn định hướng phát triển bền vững ngày càng nhiều hơn. Nghiên cứu của công ty PwC cho thấy, khoảng 85% những người được hỏi thuộc thế hệ GenZ, Millennials đều quan tâm tới môi trường cũng như đóng góp cho xã hội.
Cụ thể, ông Ngô Thế Triệu lý giải, xanh được hiểu như một từ chung về khí hậu, môi trường. Nhưng đặt trong bối cảnh hiện nay, khái niệm này trở nên rộng hơn, bao hàm về sự bền vững của sức khỏe cộng đồng lẫn tiến bộ xã hội.
“Bền vững có nghĩa sống hài hòa và đóng góp tích cực cho môi trường, con người, xã hội. Bản thân doanh nghiệp phát triển bền vững thì mới mang lại lợi ích cho chính doanh nghiệp đó và cho xã hội”, ông Triệu định nghĩa.
Các chuyên gia nói thêm, ở góc độ quốc gia, Thỏa thuận chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) với quy mô cam kết 15,5 tỷ USD là một ví dụ điển hình. Việt Nam là nước thứ ba trong danh sách, được tài trợ cho quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng. Công ty bảo hiểm Prudential và Eastspring cũng tham gia vào ban tư vấn của JETP nhằm thúc đẩy nhanh kênh dẫn vốn này.
Trong bối cảnh đó, ông Ngô Thế Triệu nhấn mạnh, dòng vốn cho tăng trưởng xanh không chỉ đến từ những tổ chức lớn quy mô toàn cầu. Thực tế nhiều quỹ đầu tư mang tính bền vững liên tục được giới thiệu trong thời gian qua, góp thêm trợ lực cho thị trường. Đơn cử, tháng 3 năm nay, Prudential và Eastspring giới thiệu quỹ liên kết đơn vị – PRUlink Tương Lai Xanh, tập trung đầu tư vào doanh nghiệp phát triển bền vững.
“Chúng tôi tập trung tìm kiếm những doanh nghiệp cung cấp sản phẩm – dịch vụ có đóng góp tích cực cho các mục tiêu về khí hậu, sức khỏe và tiến bộ xã hội của Việt Nam. Các đơn vị này cần mang mô hình kinh doanh bền vững, tài chính ổn định và có triển vọng tăng trưởng tốt. Chúng tôi kỳ vọng nhóm này trở thành ‘đầu tàu’ tạo điều kiện kéo nền kinh tế, xã hội phát triển bền vững”, ông Triệu nói.
Theo chuyên gia, trong vai trò liên kết đơn vị bảo hiểm đầu tư vào những doanh nghiệp phát triển bền vững, PRUlink Tương Lai Xanh góp phần định hướng dòng chảy đầu tư vào câu chuyện tăng trưởng dài hạn. Điều này đồng nghĩa giúp doanh nghiệp có cơ hội “xanh hơn, bền vững hơn”. Tập hợp lại sẽ mang đến mô hình xanh cho cả nền kinh tế, mang đến lợi tức vượt trội cho nhà đầu tư.
TS. Ánh nói, đầu tư xanh sẽ có tính bền vững nhất quán vì phù hợp với xu thế chung của thời đại, các chuẩn mực, thông lệ áp dụng trên toàn cầu. “Vấn đề then chốt là hài hòa lợi ích của nhà đầu tư với lợi ích của mẹ thiên nhiên và lợi ích của toàn xã hội”, ông Ánh định nghĩa.
Chuyên gia kinh tế này đánh giá, tính hấp dẫn của đầu tư xanh còn nằm ở lợi nhuận bền vững. Chẳng hạn, doanh nghiệp có sản phẩm xanh đạt tiêu chuẩn quốc tế thì có cơ hội mở rộng doanh thu, đem lại lợi nhuận bền vững hơn.
Bổ sung ý kiến này, ông Triệu lấy ví dụ: “Những công ty như vậy thường mang lại kết quả kinh doanh vượt trội về lâu dài. Khả năng tồn tại của họ trong 10-20 năm, thậm chí lâu hơn nữa sẽ rất cao. Khi tồn tại lâu dài, giá trị họ mang đến các nhà đầu tư sẽ rất lớn”.
Ông cho biết thêm, PRUlink Tương Lai Xanh (quỹ thứ 7 của Eastspring), tập trung tìm kiếm các doanh nghiệp bền vững như vậy. Quỹ đạt mức lợi nhuận gộp 37,9% trong vòng 12 tháng thử nghiệm (tính từ cuối tháng 2/2023). Tuy nhiên, sự bền vững không đồng nghĩa rằng danh mục đầu tư sẽ cố định. Có thể có những trường hợp công ty đang tốt nhưng mô hình kinh doanh bất ngờ đổi hướng hoặc rủi ro phát sinh liên quan đến chủ doanh nghiệp, chính sách vĩ mô. Chính vì vậy cần có quy trình rà soát đánh giá định kỳ và liên tục.
Tại Eastspring, định kỳ 6 tháng, Ủy ban đầu tư đánh giá danh sách các doanh nghiệp có thể đầu tư. Trong quá trình này, đơn vị xem xét việc kinh doanh của các công ty có bền vững hay không dựa trên trên nhiều tiêu chí. Quan trọng nhất, cần xét đến việc doanh nghiệp theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững trong ba lĩnh vực: khí hậu, sức khỏe và xã hội.
“Danh mục sẽ được thay đổi bằng cách loại bỏ những doanh nghiệp có rủi ro không còn bền vững, đầu tư cho mô hình kinh doanh bền vững lâu dài”, ông Triệu nêu.
Khép lại tọa đàm, ông cho biết, từ năm 2018, toàn bộ quy trình đầu tư của Eastspring tích hợp câu chuyện bền vững, dựa trên đánh giá dựa trên tiêu chuẩn ESG (tiêu chuẩn quốc tế về môi trường – xã hội – quản trị). Kết quả đầu tư trong những năm gần đây được chứng minh bằng con số tích cực.