FPT IS có nhiều giải pháp đáp ứng 30/43 mô hình Đề án 06, giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, phục vụ kinh tế – xã hội, theo chủ tịch FPT IS.
Thông tin do ông Trần Đăng Hòa – Chủ tịch FPT IS nêu tại phiên tọa đàm “Dữ liệu với cuộc sống và các giải pháp công nghệ”, ngày 4/1. Tọa đàm thuộc khuôn khổ vòng chung kết cuộc thi Data For Life 2023. Chương trình có sự tham gia của nhiều lãnh đạo từ Bộ Công an cùng các đại diện doanh nghiệp công nghệ, bàn về ứng dụng dữ liệu giải quyết bài toán kinh tế – xã hội.
Đại tá Vũ Văn Tấn – Phó cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an cho biết, sau hai năm triển khai, Đề án 06 có hiệu quả lớn nhất là tạo lập dữ liệu, sử dụng dữ liệu và cắt giảm thủ tục hành chính cho người dân. Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong bối cảnh đó, cuộc thi Data For Life sẽ là cầu nối giúp các sản phẩm ứng dụng dữ liệu Make in Vietnam đi vào thực tiễn.
Theo ông Trần Đăng Hòa, FPT IS là một trong số các đơn vị đã đồng hành cùng Bộ Công an trong cuộc thi Data For Life và quá trình thúc đẩy Đề án 06 đi vào cuộc sống. Ông cho biết công ty có nhiều sản phẩm, dịch vụ đáp ứng 30/43 mô hình tiện ích thuộc Đề án 06.
Ông nêu một số giải pháp nổi bật như: Xác thực dữ liệu căn cước công dân gắn chip ứng dụng tại đa dạng các lĩnh vực (ngân hàng – tài chính, bảo hiểm, bất động sản, dịch vụ công…) – FPT.IDCheck; Nền tảng số hóa toàn diện hoạt động kiểm tra đánh giá đáp ứng mô hình thi trực tuyến tập trung – Khaothi.Online; Ứng dụng công dân số – FPT.dCitizen; Chữ ký số – FPT.eSign…
“Các giải pháp giúp tổ chức, doanh nghiệp khai phá và tận dụng tiềm năng dữ liệu, thay đổi phương thức kết nối giữa chính quyền, người dân để các hoạt động, dịch vụ thuận tiện hơn”, ông Hòa phân tích.
Ông Hòa nhấn mạnh, tổ chức, doanh nghiệp cần chuẩn hóa và xây dựng chiến lược dữ liệu. Điều này sẽ tạo nền móng vững chắc để khai thác tiềm năng từ dữ liệu, giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện sự phục vụ của cơ quan nhà nước cho người dân, doanh nghiệp. Quan trọng hơn, các đơn vị cần tiến hành phân tích chuyên sâu nhằm hỗ trợ Chính phủ trong công tác quản lý nhà nước; đưa ra các chính sách an sinh liên quan đến bảo hiểm, y tế, giáo dục…
“Những hoạt động này giúp khai thác dữ liệu ‘đúng – đủ – sạch – sống’, góp phần thúc đẩy sự phát triển, tiến bộ cho xã hội”, ông Hòa nói.
Theo đó, nhiều mô hình Đề án 06 được FPT IS phối hợp cùng tỉnh thành, tổ chức, doanh nghiệp đưa vào thực tiễn và đạt tín hiệu tích cực. Ông lấy ví dụ như: Mô hình 2 – Tự động hóa Trung tâm hành chính công thông qua tương tác Kiosk; Mô hình 8 – Triển khai giải pháp xác thực dữ liệu căn cước công dân gắn chip tại các điểm công chứng, chứng thực; Mô hình 16 – Triển khai tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT; Mô hình 21 – Mô hình xác thực thi online tập trung qua nền tảng công nghệ xác thực thẻ CCCD gắn chip; Mô hình 42 – Trung tâm Giám sát an ninh mạng SOC tỉnh… Hiện nay, các mô hình triển khai cho nhiều địa phương: Khánh Hòa, Huế, Đà Nẵng, TP HCM, Hà Nam, Hà Tĩnh, Nghệ An, Hưng Yên, Hải Phòng…
“FPT IS sẽ không ngừng nỗ lực tận dụng công nghệ giúp giao dịch giữa Chính phủ, người dân và doanh nghiệp diễn ra nhanh chóng, hiệu quả, tin cậy. Chúng tôi hy vọng có thể song hành toàn diện cùng Đề án 06, thúc đẩy sự phát triển của Chính phủ số, xã hội số, kinh tế số tại Việt Nam”, ông Hòa nêu.
Ngoài tọa đàm, tại vòng chung kết Data For Life 2023, ông Hòa đại diện FPT IS tham dự với tư cách giám khảo và nhà tài trợ. 10 đội thi đến từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã có phần thuyết trình và tranh biện trước hội đồng ban giám khảo về các sản phẩm, giải pháp số. Nhờ độ chính xác và có khả năng triển khai thực tế, Giải pháp xác định biển số ôtô của Công an tỉnh Sơn La xuất sắc giành chiến thắng, nhận giải thưởng lên tới 200 triệu đồng.