Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/2, cổ phiếu VRE của CTCP Vincom Retail bất ngờ tăng kịch trần lên mức giá 24.500 đồng/cp. Đây cũng là phiên tăng thứ tư liên tiếp của cổ phiếu này. Trong chuỗi tăng nói trên, những người vui nhất chính là các cổ đông của Vincom Retail.
Theo cơ cấu sở hữu của doanh nghiệp này, hiện hơn 70% số cổ phần của Vincom Retail thuộc về các cổ đông nội, còn lại là các cổ đông ngoại nắm giữ.
Trong đó, CTCP Kinh doanh thương mại Sado đang là cổ đông lớn nhất của công ty này khi sở hữu 943,2 triệu cổ phiếu VRE, tương đương 41,5% vốn điều lệ của công ty này. Theo tìm hiểu, Sado là một công ty con do Vingroup (mã chứng khoán VIC) nắm 100% vốn điều lệ.
Vào năm 2020, Vingroup đã tiến hành tái cấu trúc nội bộ khi thực hiện thủ tục tách doanh nghiệp đối với CTCP Đầu tư và Phát triển đô thị Sài Đồng. Theo đó, Công ty Sài Đồng chuyển một phần cổ phần của các cổ đông hiện hữu cùng tài sản, quyền và nghĩa vụ tương ứng để thành lập một công ty mới. Pháp nhân mới được thành lập là Sado với vốn điều lệ ban đầu ở mức gần 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến tháng 2/2023 vốn điều lệ của công ty đã tăng lên mức 8.693 tỷ đồng, tức gấp 17,3 lần sau 5 năm.
Sado hoạt động chính trong lĩnh vực tư vấn quản lý (không bao gồm tư vấn phát luật, tài chính, kế toán, kiểm toán, thuế và chứng khoán). Ngoài ra, doanh nghiệp còn đăng ký nhiều ngành khác như đại lý, môi giới, đấu giá hàng hóa; dịch vụ hành chính văn phòng tổng hợp; xúc tiến thương mại; hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí…
Doanh nghiệp này bắt đầu sở hữu cổ phiếu VRE kể từ tháng 2/2021 sau khi sáp nhập công ty TNHH Kinh doanh và Phát triển Đô thị Nam Hà Nội. Kể từ tháng 4/2021, Sado đã chính thức trở thành cổ đông lớn nhất của của Vincom Retail khi nhận chuyển nhượng tiếp 751 triệu cổ phiếu VRE nữa.
Bản thân Vingroup – công ty mẹ của Sado cũng đang nắm giữ trực tiếp 427,8 triệu cổ phiếu VRE, tương đương 18,8% vốn. Như vậy, Vingroup đang giữ tỷ lệ biểu quyết 60,33% tại Vincom Retail.
Nhà đầu tư nước ngoài tại Vincom Retail
Về phía các cổ đông nước ngoài, hiện PYN Elite Fund đang là tổ chức sở hữu nhiều cổ phiếu VRE nhất. Cụ thể, quỹ này đang sở hữu khoảng 65,9 triệu cổ phiếu VRE, tương đương 2,9% vốn.
Hồi cuối tháng 12/2023, khoản đầu tư vào Vincom Retail đứng thứ 7 trong danh mục của PYN Elite Fund, chiến 4,7% NAV. Tuy nhiên, đến tháng 1 năm nay khoản đầu tư này đã không còn xuất hiện trong top 10 khi quỹ này đã giải ngân thêm tiền vào các mã khác.
Fubon Asseet Management – quỹ đầu tư quen mặt tại Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc đang sở hữu 1,5% vốn Vincom Retail. Ngoài ra, quỹ ngoại “tỷ đô” Dragon Capital cũng sở hữu hơn 17,8 triệu cổ phiếu VRE, tương đương 0,79% vốn.
Không thể phù nhận, VRE vẫn đang là một cổ phiếu tiềm năng với các nhà đầu tư khi nhìn vào kết quả kinh doanh của công ty này. Cụ thể, năm 2023, Vincom Retail ghi nhận doanh thu thuần 9.791 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 4.409 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 33% và 58,8% so với cùng kỳ.
Trong đó, tổng doanh thu thuần hợp nhất quý 4/2023 đạt 2.343 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước nhờ ghi nhận doanh thu bàn giao bất động sản và doanh thu khác, trong khi hoạt động kinh doanh trung tâm thương mại (TTTM) duy trì sự ổn định. Khấu trừ chi phí, Vincom Retail ghi nhận 1.067 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước.
Với những kết quả đạt được trong năm 2023, Vincom Retail sẽ tiếp tục tối ưu hóa mô hình vận hành, tìm kiếm và giới thiệu tại các TTTM Vincom các xu hướng tiêu dùng mới. Năm 2024, Vincom Retail dự kiến sẽ khai trương thêm 6 TTTM với tổng diện tích mặt sàn bán lẻ khoảng 160.000 m2, giữ vững vị thế là nhà phát triển bất động sản bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam và khu vực.