Công ty CP Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood đã được UBND TP.HCM chính thức công bố là nhà tài trợ thực hiện dự án cầu đi bộ qua sông Sài Gòn. Đây sẽ là một trong những biểu tượng mới của thành phố trong tương lai.
Ngày 4/12, đại diện ban lãnh đạo Công ty CP Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood và Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã chính thức ký kết biên bản thỏa thuận tài trợ về việc xây dựng cầu đi bộ qua sông Sài Gòn.
Theo đó, Nutifood sẽ tài trợ toàn bộ kinh phí xây dựng dự án theo chủ trương, quy hoạch, phương án thiết kế mà thành phố đã phê duyệt. Tổng kinh phí tài trợ ước tính khoảng hơn 1.000 tỷ đồng.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm và ông Trần Bảo Minh – Phó Chủ tịch HĐQT Nutifood ký kết biên bản thỏa thuận tài trợ cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn trước sự chứng kiến của UBND TP.HCM Phan Văn Mãi
Tại buổi lễ ký kết, ông Trần Bảo Minh, Phó chủ tịch HĐQT Nutifood chia sẻ: “Là một doanh nghiệp khởi nghiệp và lớn mạnh từ mảnh đất Sài Gòn, chính điều đó đã hun đúc tình yêu của chúng tôi với nơi đây và nung nấu ước mơ được làm gì đó để mảnh đất này ngày càng đẹp hơn, đáng sống hơn.
Cây cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn với những giá trị về môi trường, cảnh quan, giá trị về kinh tế mang lại cho người dân, cho thành phố đã biến tâm nguyện của chúng tôi thành hiện thực. Đây không chỉ sẽ là biểu tượng mới của TP.HCM, giúp kết nối đôi bờ từ quận 1 sang thành phố Thủ Đức mà còn giúp chiếu sáng khu đô thị Thủ Thiêm”.
“Cầu đi bộ hứa hẹn sẽ là một địa điểm giải trí, thư giãn đẹp mắt cho người dân thành phố cũng như điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách phương xa. Đó cũng là “món quà” mà toàn thể cán bộ nhân viên Nutifood đồng lòng tri ân đến vùng đất cùng hàng triệu người tiêu dùng tại TP.HCM và cả nước đã yêu mến, tin tưởng, sử dụng các sản phẩm của công ty trong suốt hơn 20 năm qua”, ông Minh nói.
Với chiều dài 500m, được bắt đầu từ công viên bến Bạch Đằng, chân cầu là công viên bờ sông và ngoài ranh khu A – phía Nam quảng trường trung tâm khu đô thị Thủ Thiêm, cầu đi bộ qua sông Sài Gòn được thiết kế hình chiếc lá dừa nước, một loại lá rất đặc trưng của vùng đất Nam Bộ.
Cây cầu sẽ như một chiếc lá mềm mại bay nhẹ nhàng trên dòng sông Sài Gòn, giúp gợi nhớ hình ảnh thân thuộc, dân dã trong quá khứ của vùng đất phương Nam và cũng là sẽ một biểu tượng mới, giúp kết nối với hiện đại, hướng đến tương lai của thành phố mang tên Bác.
Phối cảnh 3D dự án cầu đi bộ qua sông Sài Gòn
Đây là thiết kế được thực hiện bởi liên danh Chodai- Takashi Niwa Architects và Chodai Kisojiban Việt Nam, đã được UBND TP.HCM lựa chọn từ cuộc thi do Sở Quy hoạch và Kiến trúc tổ chức cách đây 4 năm trước.
Không chỉ có thiết kế thuận tiện đi lại, cầu đi bộ qua sông Sài Gòn còn đẹp như một tác phẩm nghệ thuật. Bên cạnh việc phục vụ người đi bộ, cầu còn có làn đường dành cho người đi xe đạp và người khuyết tật. Ngoài ra, cầu còn được thiết kế cho xe cứu thương có thể di chuyển trong những trường hợp khẩn cấp.
“Nắm giữ vị trí quan trọng, sông Sài Gòn là một phần của ký ức lịch sử hơn 300 năm của thành phố Hồ Chí Minh. Đây cũng là nơi thường xuyên tổ chức các sự kiện trọng đại và là điểm thu hút du khách đến tham quan, ngắm cảnh.
Do vậy, việc xây cầu đi bộ nối liền đôi bờ sông Sài Gòn rất có ý nghĩa, mang đến nhiều giá trị to lớn, không chỉ giúp thúc đẩy, đưa Thủ Thiêm thành trung tâm kinh tế- tài chính – dịch vụ mà còn tạo điểm nhấn về văn hóa, du lịch, giúp người dân và du khách phương xa có thêm một địa điểm đẹp mắt để đến đi dạo, thư giãn, vui chơi và thưởng thức vẻ đẹp của thành phố, để nơi này mãi là hòn ngọc Viễn Đông”, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết.
“Cầu đi bộ qua sông Sài Gòn là công trình có quy mô, đòi hỏi kỹ thuật cao và nguồn kinh phí lớn nên rất cần sự nguồn hỗ trợ, chung tay của các cá nhân và tổ chức. Vì vậy, chúng tôi rất cảm ơn Nutifood vì đã trao tặng món quà vô cùng ý nghĩa này”, ông Mãi gửi lời tri ân đến Nutifood tại lễ ký kết.
Sau buổi lễ, UBND TP.HCM sẽ tiến hành bàn giao mặt bằng và phương án thiết kế cho Nutifood. Theo dự kiến, cây cầu sẽ được khởi công chính thức vào ngày 30/4/2025 để chào mừng 50 năm thống nhất đất nước.