“90 giám đốc điều hành (CEO) hoặc chủ tịch tập đoàn từ các nước Bắc Âu đã ở sự kiện này và họ có cái nhìn rất tích cực về Việt Nam cũng như các cơ hội làm ăn ở đây” – ông Marcus Wallenberg, chủ tịch SEB, khẳng định với Tuổi Trẻ sau hội nghị.
Một Việt Nam đang chuyển mình
Tại hội nghị ngày 12-3, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang thay mặt Chính phủ thông tin đến các doanh nghiệp Bắc Âu những lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam cùng những cam kết với họ.
Đánh giá về thông điệp của Chính phủ Việt Nam, ông Wallenberg gói gọn trong hai tính từ “rất tích cực và rất mạnh mẽ”. Việt Nam, theo chủ tịch SEB, đã đặt ra các mục tiêu tăng trưởng và đang tiến hành nhiều cải cách, điều chỉnh để tiến về đích. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng Việt Nam cần làm nhanh hơn trong việc cấp phép đầu tư, phải giúp doanh nghiệp hiểu rõ và đầy đủ về quy trình một cách dễ dàng hơn.
Khoảng 50% trong số các doanh nghiệp tham dự hội nghị lần này chưa có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Khi được hỏi về mục đích chuyến đi đến Việt Nam lần này, chủ tịch SEB cho biết phái đoàn doanh nghiệp Bắc Âu đã thảo luận với phía Việt Nam nhiều chủ đề khác nhau như cách thức kinh doanh, năng lực của Việt Nam là gì và những thách thức.
Chủ đề phổ biến nhất là chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, năng lượng tái tạo và nguồn nhân lực.
Theo chủ tịch SEB, Việt Nam cần nghĩ đến vấn đề nguồn cung năng lượng tái tạo cho các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp Bắc Âu đã cam kết với khách hàng việc giảm phát thải trong sản xuất, do đó họ rất quan tâm đến những sản phẩm được làm ra phải từ năng lượng sạch. Bắc Âu cũng có những công ty nhiều kinh nghiệm về chuỗi cung ứng năng lượng sạch và đó là tiềm năng cho các hợp tác tương lai.
Ông Wallenberg cũng đặc biệt ấn tượng với đường lối ngoại giao của Việt Nam khi đã đưa đất nước trở thành một điểm đến hấp dẫn trong bối cảnh thế giới hiện tại. “Rõ ràng Việt Nam là một quốc gia đang cho thấy khả năng cân bằng trong mối quan hệ với các nước lớn như Mỹ và Trung Quốc. Việt Nam là một quốc gia đã tìm được vị trí trung gian và đứng vững, điều mà tôi nghĩ chúng tôi đã được học hỏi nhiều”, ông nói.
Sẽ có thêm nhiều phái đoàn từ Bắc Âu
Nói với Tuổi Trẻ về tiềm lực của các nước Bắc Âu, Tham tán thương mại Nguyễn Thị Hoàng Thúy (Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển kiêm nhiệm các nước Bắc Âu) nhận xét các nước Bắc Âu tuy nhỏ nhưng có tiềm lực về kinh tế, với thế mạnh về các ngành công nghiệp tiên tiến và luôn đi đầu trong các xu hướng tiêu dùng mới.
Do vậy, hướng đi hiệu quả nhất là thu hút các tập đoàn lớn, có khả năng đầu tư vào các ngành công nghiệp chất lượng cao phục vụ xuất khẩu và các tập đoàn có sẵn mạng lưới phân phối toàn cầu.
“Nếu các tập đoàn này đầu tư sản xuất tại Việt Nam rồi xuất khẩu ngược lại vào hệ thống phân phối của họ thì sẽ giúp tăng đầu tư, tăng xuất khẩu nguyên liệu tại chỗ và tăng kim ngạch xuất khẩu không chỉ sang Bắc Âu mà còn cả các nước khác”, bà Thúy nói.
“Sau Hội nghị CEO các nước Bắc Âu do SEB tổ chức, chúng tôi tiếp tục tổ chức một loạt hội thảo giới thiệu môi trường đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam”, bà cho biết thêm.
Ngoài các điểm mạnh cơ bản, theo bà Thúy, có ba điểm mạnh của Việt Nam mà thương vụ đã sử dụng như các dẫn chứng để thu hút doanh nghiệp Bắc Âu đầu tư. Thứ nhất là các cam kết mạnh mẽ và sâu rộng của Chính phủ về phát triển bền vững nhằm đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
“Thương vụ cũng thường lấy Lego làm ví dụ minh chứng cho các dự án đầu tư chất lượng cao. Việc các doanh nghiệp lớn, phát triển bền vững như Lego đầu tư vào Việt Nam sẽ có giá trị lan tỏa, giúp khuyến khích các doanh nghiệp Bắc Âu khác tiếp tục đầu tư vào Việt Nam”, bà Thúy nói.
Thứ hai là xu hướng Trung Quốc + 1, cũng được xác định như là một lợi thế khi các tập đoàn công nghệ khổng lồ như Apple, Samsung công bố kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Điều này làm cho Việt Nam được chú ý hơn trong việc trở thành một điểm sản xuất mới tiềm năng do có vị trí thuận lợi gần Trung Quốc nhưng chi phí thấp hơn.
Cuối cùng, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU có hiệu lực từ tháng 8-2020 sẽ giúp các doanh nghiệp EU nói chung và Bắc Âu nói riêng hưởng lợi từ quy chế xuất xứ nếu đầu tư, sản xuất tại Việt Nam rồi xuất ngược lại các thị trường này.
Đó là còn chưa kể đến lợi ích từ việc đón đầu Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU mà nước ta đã liên tục vận động số ít nước còn lại trong EU phê chuẩn và nhận được nhiều phản hồi tích cực.