Theo Ban tổ chức, sau hơn 2 tháng phát động đã tiếp nhận hơn 202 tác phẩm, nhóm tác phẩm dự thi của phóng viên, nhà báo từ nhiều cơ quan báo chí trung ương, địa phương; các chuyên gia kinh tế – môi trường; các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên cả nước.
Theo đánh giá chung, các tác phẩm báo chí dự “Cuộc thi viết về bảo vệ môi trường ngành Công Thương” lần thứ 2 khá đa dạng về loại hình, chất lượng khá đồng đều.
Nội dung đã tập trung tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường nói chung và của ngành Công Thương nói riêng.
Báo Tuổi trẻ nhận giải báo chí về môi trường ngành Công Thương – Ảnh: N.KH
Đồng thời biểu dương các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp quản lý nhà nước, ứng dụng khoa học công nghệ… góp phần đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường của ngành.
Các tác phẩm cũng phản ánh những khó khăn, thách thức, tồn tại nhất là trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, sử dụng lãng phí năng lượng, sử dụng rác thải nhựa… từ đó đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường ngành Công Thương.
Sau vòng sơ loại và 2 vòng chấm sơ khảo, chung khảo, Ban tổ chức đã chọn ra 12 tác phẩm xuất sắc để trao giải bao gồm: 1 giải đặc biệt, 1 giải A, 2 giải B, 3 giải C, 5 giải khuyến khích.
Giải đặc biệt trao cho tác phẩm: “Bảo vệ môi trường nhìn từ góc độ ngành Công Thương” của nhóm tác giả Nguyễn Minh Phong, Nguyễn Trần Minh Trí, Nguyễn Thị Quỳnh Hương; giải A là tác phẩm “Từ chuyến tàu LNG lịch sử đến khát vọng “chuyển đổi xanh”” của Báo điện tử VTV News.
Báo Tuổi trẻ TP.HCM đạt giải khuyến khích với loạt 2 bài “Sản phẩm sinh học phân hủy: Xu hướng thân thiện với môi trường” của tác giả Ngọc An.
Tác phẩm đã phản ánh thực tế khó khăn, vướng mắc những doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm sinh học phân hủy tìm chỗ đứng trên thị trường nội địa.
Mặc dù đây là những sản phẩm thân thiện với môi trường, là xu thế của tiêu dùng và đáp đứng được các tiêu chuẩn khắt khe nhất của các nước tiên tiến, xuất khẩu ra nhiều thị trường thế giới, song lại chưa thể có được vị trí với người tiêu dùng nội địa.
Lý do là trên thị trường có nhiều sản phẩm tự gắn mác “tự hủy sinh học” với giá thấp hơn nên thu hút người dùng. Bên cạnh đó, các văn bản pháp luật, cơ chế chính sách để tạo hành lang pháp lý cho sản phẩm nhựa sinh học phân hủy vẫn chưa đồng bộ.
Vì vậy, bài viết đã khuyến nghị các giải pháp giúp người tiêu dùng phân biệt được sản phẩm nhựa sinh học phân hủy với các sản phẩm có tên gọi cùng loại. Đồng thời khuyến nghị các cơ chế chính sách để hoàn thiện hơn nữa các tiêu chuẩn, quy chuẩn và ưu đãi doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, hạ giá thành sản phẩm, tìm chỗ đứng tốt hơn trên sân nhà…