Theo báo cáo năm 2023 của Vietnam Report, kết quả kinh doanh của phần lớn doanh nghiệp logistics đều sụt giảm. Bên cạnh thách thức liên quan đến sự cạnh tranh khi có những doanh nghiệp nước ngoài sẵn sàng lỗ 3-5 năm để giành thị phần, ngành logistics còn đối mặt vấn đề thiếu nhân lực trầm trọng
Tình trạng các đơn vị vận chuyển bị quá tải vào thời điểm cận Tết không còn xa lạ, khi nhu cầu mua sắm tăng cao dẫn đến lượng đơn hàng tăng vọt trong thời gian ngắn. Năm nay, các chủ shop online cho biết nhiều hãng vận chuyển đã báo quá tải, đóng một số tuyến hoặc ngừng nhận đơn mới.
Đặc biệt, dư luận gần đây xôn xao trước thông tin đội ngũ shipper của Giao hàng Tiết kiệm (GHTK) đình công do không hài lòng với chính sách thưởng Tết, khiến hàng hóa ùn ứ tại kho. Trả lời truyền thông, đại diện GHTK phủ nhận việc người lao động đình công, nhưng xác nhận tình trạng quá tải đơn hàng.
Trước khi tình trạng này xảy ra, trong báo cáo về ngành logistics công bố đầu tháng 12/2023, CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đã cho biết phần lớn doanh nghiệp (DN) logistics đều ghi nhận kết quả kinh doanh sụt giảm. Theo khảo sát của Vietnam Report, trong số 66,7% DN bị giảm lợi nhuận, có tới 40% cho biết có mức sụt giảm đáng kể.
Thách thức đầu tiên mà các DN logistics Việt Nam đang đối mặt liên quan đến nhóm 3 yếu tố: giảm số lượng đơn hàng, kinh tế tăng trưởng chậm, bất ổn chính trị trên thế giới. Thứ hai là những khó khăn liên quan tới cuộc cạnh tranh giữa các DN trong ngành.
“Cuộc cạnh tranh về giá lẫn dịch vụ diễn ra gay gắt khi ngày càng nhiều DN nước ngoài tham gia vào thị trường với mục tiêu chiếm lĩnh, sẵn sàng lỗ 3-5 năm để giành thị phần. Ngoài ra, các sàn thương mại điện tử – nơi phát sinh sản lượng ngành logistics ngày càng lớn – đang mở rộng hệ sinh thái, tham gia vào thị trường logistics, tự chủ hoạt động giao hàng“, báo cáo của Vietnam Report có đoạn.
Theo Vietnam Report, để gia nhập và duy trì cuộc chơi, các DN cần đảm bảo phương tiện đạt mức tải tối đa, tối ưu chi phí và tận dụng lợi thế theo quy mô. Ngoài ra, thách thức trên cũng đặt ra yêu cầu cho các DN về tối ưu vận hành, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tự động hóa và chuyển đổi số.
Một thách thức lớn khác được Vietnam Report đề cập liên quan đến nguồn nhân lực ngành logistics.
“Khó khăn về nhân lực chi phối và làm hạn chế năng lực DN. Theo Hiệp hội Phát triển Nhân lực Logistics (Valoma), dự kiến đến năm 2030, nhu cầu nguồn nhân lực về logistics là trên 200.000. Trong khi đó, khả năng đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực logistics chỉ khoảng 10% nhu cầu thị trường.
Bên cạnh đó, số lao động được đào tạo bài bản về dịch vụ logistics chỉ chiếm khoảng 5 – 7% số lao động đang làm việc trong lĩnh vực này. Do đó, có thể nói nguồn nhân lực logistics tại Việt Nam đang thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng“, Vietnam Report phân tích.
Mặc dù vậy, trước nhiều kỳ vọng về phục hồi kinh tế cùng mục tiêu tăng trưởng 6% trong năm 2024 của Việt Nam, các DN logistics cũng bày tỏ lạc quan khi có 34,5% số DN tham gia khảo sát của Vietnam Report nhận định ngành logistics sẽ tăng trưởng tốt hơn.
Yếu tố chi phí của DN logistics cũng ghi nhận nhiều điểm sáng khi có tới 60% DN có tổng chi phí giảm. Điều này cũng phản ánh chính xác những nỗ lực ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hạ lãi suất cho vay cho từ phía Chính phủ.