Vinasoy mở rộng các vùng trồng đậu nành trên toàn quốc vừa chủ động nguyên liệu vừa cải tạo đất, hướng tới phát triển bền vững.
Đậu nành là loại cây trồng quen thuộc, đóng vai trò quan trọng với nông nghiệp và môi trường. Rễ loại cây này có nhiều nốt sần chứa các vi khuẩn cố định đạm sống cộng sinh bên trong. Chúng giúp chuyển hóa khí ni-tơ (N2) trong không khí thành amoniac (NH3) và các dẫn chất (đạm) có thể hấp thu cho cây đậu nành cũng như để lại đạm trong đất. Vì thế, cây đậu nành có khả năng cải tạo đất tốt và thường được ví như nhà máy sản xuất đạm tự nhiên cho đất.
Trong khi cây có tác dụng cải tạo đất, hạt là nguồn dinh dưỡng gắn bó lâu đời với người Việt, nhưng gần đây, người nông dân không mặn mà trồng đậu nành do hiệu quả kinh tế không cao bằng các giống cây khác. Theo số liệu từ Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam, diện tích đậu nành Việt Nam không ổn định, sản xuất đậu nành nội địa mới đủ cung cấp cho khoảng 8-10% nhu cầu. Năm 2017, diện tích trồng đậu nành trên cả nước đạt khoảng 100.000 ha, năng suất khoảng 1,57 tấn/ha, sản lượng đạt 157.000 tấn.
Thiếu hụt nguồn cung hạt đậu nành nội địa với chất lượng cao luôn là trăn trở của lãnh đạo Công ty Vinasoy – thành viên của Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi. Họ hiểu rằng bản thân doanh nghiệp và cả thị trường Việt Nam cần chủ động nguồn nguyên liệu để kiên định và tăng tốc phát triển, đồng thời thể hiện trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.
Ông Huỳnh Sơn Hải, Giám đốc điều hành Vinasoy nhận xét làm nông nghiệp với quy mô lớn tại nước ta không hề dễ dàng. Nhiều thách thức đến từ khí hậu, địa lý, chất lượng, năng suất, tập quán canh tác của nông dân cũng như mối liên kết, hợp tác với các bên liên quan.
Để chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất và phát triển bền vững cho doanh nghiệp, năm 2013, Vinasoy đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng đậu nành Vinasoy (VSAC) đầu tiên tại Việt Nam với mục tiêu nghiên cứu chuyên sâu về hạt đậu nành phục vụ cho việc phát triển kinh doanh bền vững. “Thành lập trung tâm VSAC là quyết định chiến lược mà Vinasoy đã thực hiện để tháo gỡ từng nút thắt một”, ông Huỳnh Sơn Hải nhấn mạnh.
Trung tâm VSAC tập trung vào ba nhóm giải pháp chính. Đầu tiên là tạo đột phá trong công tác chọn tạo giống mới kết hợp với việc sưu tập ngân hàng nguồn gen đậu nành để bảo tồn nguồn gen quý tự nhiên và làm vật liệu lai tạo. Đội ngũ VSAC còn hợp tác với các công ty máy nông nghiệp hàng đầu thế giới như Kubota đưa cơ giới hóa vào canh tác đậu nành. VSAC cũng cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm đậu nành hạt chất lượng và đồng hành cùng nông dân suốt quá trình sản xuất.
VSAC cũng xác lập vai trò của cây đậu nành trong hệ thống luân canh bền vững: đậu nành – đậu phộng – khoai lang tại Tây Nguyên và 2 vụ lúa – 1 vụ đậu nành tại đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long, từ đó vừa hỗ trợ người nông dân tăng thu nhập vừa giúp canh tác nông nghiệp bền vững hơn. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và thiếu nước tưới, mô hình luân canh 2 vụ lúa – 1 vụ đậu nành là giải pháp để phát triển cây lúa bền vững và vùng trồng đậu nành rộng lớn. Giải pháp này cũng phù hợp với chủ trương phát triển bền vững, giảm phát thải khí nhà kính mà Chính phủ đang triển khai.
Với tâm niệm “lấy những gì từ đất thì trả lại cho đất”, Trung tâm VSAC đã ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác phát triển vùng nguyên liệu và sản phẩm nhằm phát triển trở lại vùng nguyên liệu đậu nành tại Việt Nam, từ đó góp phần xây dựng nền nông nghiệp bền vững. “Đồng thời, chúng tôi cũng hướng đến mục tiêu bảo toàn và nâng tầm dinh dưỡng sản phẩm từ đậu nành và từ thực vật khác, góp phần mang lại cuộc sống lành mạnh, cân bằng cho mọi nhà”, ông Huỳnh Sơn Hải chia sẻ thêm tâm huyết của Vinasoy khi thành lập trung tâm VSAC.
Với sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền và các ban ngành liên quan, sự chung tay của người nông dân cũng như sự ủng hộ từ phía người tiêu dùng, doanh nghiệp hiện đã xây dựng được 4 vùng nguyên liệu tại đồng bằng Sông Hồng, miền Trung, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Tại các vùng nguyên liệu này, nông dân Việt đã nâng được năng suất trung bình của đậu nành lên 2,5 tấn/ha, gấp đôi năng suất trước đây, đồng thời giảm tối đa chi phí sản xuất. Giống đậu nành Vinasoy-02 NS, sản phẩm từ sự nghiên cứu lai tạo của VSAC được Cục Trồng trọt cấp phép lưu hành, trong một số điều kiện, có thể cho năng suất lên đến hơn 3 tấn/ha.
Theo đại diện Vinasoy, chính lợi ích to lớn và đa dạng của đậu nành đối với sức khỏe đường dài lẫn môi trường là một trong những lý do để doanh nghiệp kiên định theo đuổi mục tiêu phục hưng “cánh đồng đạm tự nhiên” ở Việt Nam.
Nhiều nghiên cứu thể hiện đậu nành có hàm lượng đạm dồi dào với chất lượng cao, giàu chất béo không no đa và các axit béo thiết yếu. Đậu nành cũng cung cấp nhiều chất dinh dưỡng quý khác như isoflavone, kali… Đây được xem là nguồn thực phẩm để cân bằng đạm thực vật và đạm động vật trong bữa ăn hằng ngày, từ đó giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính, giảm nguy cơ tim mạch, ngăn ngừa nguy cơ ung thư, kiểm soát cân nặng, cải thiện tình trạng da…
Theo chia sẻ từ tiến sĩ Mark Messina – Giám đốc Nghiên cứu Dinh dưỡng đậu nành, Viện Dinh dưỡng đậu nành toàn cầu (Mỹ), đậu nành cung cấp nhiều đạm hơn trên mỗi đơn vị khí thải nhà kính so với các loại thực phẩm phổ biến khác.
Hành trình mở rộng vùng nguyên liệu đậu nành và đồng hành cùng đời sống dinh dưỡng của người tiêu dùng khắp cả nước đã dẫn Vinasoy đến vị thế hàng đầu ngành với sản lượng 390 triệu lít sữa mỗi năm, không ngừng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam và tiến xa đến thị trường toàn cầu. Theo số liệu của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, Vinasoy là nhà sản xuất 3 năm liên tiếp (2020 – 2022) giữ vị trí dẫn đầu trong ngành hàng sữa đậu nành uống liền tại Việt Nam. Còn theo GlobalData UK, doanh nghiệp là cái tên đầu tiên và duy nhất của Việt Nam nằm trong top 5 công ty sữa đậu nành lớn nhất thế giới 5 năm liên tiếp từ 2018 đến 2022.